Quý khách đã đặt lịch khám thành công

Họ tên:

Mã đặt lịch:

Ngày hẹn:

Thời gian hẹn:

Chuyên khoa/Bác sĩ:

Số điện thoại chuyên khoa:

Nhân viên của bệnh viện sẽ liên hệ xác nhận lại với Quý khách trong thời gian sớm nhất.

Đóng

Nơi ở hiện tại: 40B Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khám cấp cứu 24/7: 02438269727

BỆNH VIỆN RĂNG HÀM MẶT TRUNG ƯƠNG HÀ NỘI THAM DỰHỘI NGHỊ NỘI NHA THẾ GIỚI (IFEA 12)

08/09/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, Hội nghị Nội Nha Thế Giới lần thứ 12 (IFEA 12th World Endodontic Congress) đã được tổ chức trực tuyến từ ngày 12 - 14/8/2021.

Tham dự Hội nghị có:

  • PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức hội nghị
  • TS. Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Phó Ban tổ chức hội nghị
  • ThS. Trần Văn Phú, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ủy viên
  • TS. Lê Hồng Vân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Ủy viên

và các thành viên trong Ban tổ chức, cùng các thư kí hội trường và hơn 40 bác sỹ Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW Hà Nội.

PGS.TS. Trần Cao Bính phát biểu khai mạc hội nghị

 

  1. Nội nha tái sinh(Regenerative Endodontic Therapy- REP):

Nội nha tái sinh được chỉ định cho răng vĩnh viễn tủy hoại tử chưa đóng chóp, dựa trên các cơ sở sinh học về các tế bào gốc, yếu tố tăng trưởng và giá thể, hội tụ ba thành phần của công nghệ mô. Phương pháp này hình thành nên các mô hữu cơ trong lòng ống tuỷ, giúp phát triển chiều dài chân răng và tăng độ dày thành ống tủy. Đây là một hướng đi mới của chuyên ngành nội nha, hứa hẹn nhiều tiềm năng mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu để thực sự kiểm soát và định hướng sự hình thành mô giống với cấu trúc của phức hợp tủy-ngà răng. Do vậy mà hiện nay rất nhiều nghiên cứu về nội nha tái sinh vẫn đang được tiến hành và quy trình điều trị là một trong những yếu tố được quan tâm nhiều nhất nhằm tăng tỷ lệ thành công. Hiệp hội Nội nha Hoa Kì (AAE) và Hiệp hội Nội nha Châu Âu (ESE) hướng dẫn về điềutrị nội nha tái sinh với cách làm tương tự nhau: mở tủy, lấy tủy không can thiệp cơ học, bơm rửa bằng Natri hypochlorite 1,5 - 3% và EDTA 17%, đặt calcium hydroxyde hoặc paste kháng sinh, tạo cục máu đông và hàn kín bằng calcium silicate hoặc MTA. Nhưng với bác sỹ Arieh Y. Kaufman, ông cho rằng sử dụng màng PRF từ máu tĩnh mạch thay cục máu đông tạo bằng cơ học sẽ hình thành chóp răng trong thời gian ngắn hơn. Còn GS Jantarat đến từ Đại học Mahidol thì sử dụng thêm thiết bị rung siêu âm thụ động để kích hoạt dung dịch NaOCl và đặt paste 3Mix-MP (trộn thêm Propylene glycol và Macorgol vào paste 3 kháng sinh)

 

  1. Liệu pháp tuỷ sống (Vital Pulp Therapy – VPT)

Các báo cáo viên cho rằng liệu pháp tuỷ sống (chụp tuỷ, lấy tuỷ một phần…) cần được cân nhắc chỉ định rộng rãi hơn để bảo tồn tuỷ. Không chỉ chỉ định trên các ca bệnh viêm tuỷ có hồi phục, BS. Pairoj Linsuwanont đã chỉ định trên một số răng có triệu chứng viêm tuỷ không hồi phục hoặc tuỷ phì đại để cố gắng giữ lại phần tuỷ chân còn sống dù tỷ lệ thành công thấp hơn so với viêm tuỷ có hồi phục.

 

  1. Chấn thương răng:

Trong Hội nghị nội nha năm nay, báo cáo viên tập trung nhiều vào chủ đề biến chứng tiêu chân răng sau chấn thương và làm sao để hạn chế biến chứng này. Dry time – thời gian răng khô ngoài môi trường là một trong những yếu tố gây ra biến chứng này. Thời gian tốt nhất để dây chằng quanh răng tồn tại là trước 1 giờ từ khi răng bật khỏi ổ với dung dịch bảo quản: HBSS, sữa, nước bọt, nước muối…Biến chứng nặng nề nhất đối với các chấn thương răng bật khỏi ổ là nguy cơ dính khớp dẫn đến ngoại tiêu. Do vậy có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lí dây chằng quanh răng trước khi cấy lại. Martin Trope cho rằng nên loại bỏ dây chằng quanh răng trước khi cấy lại răng vào huyệt ổ nếu thời gian răng khô ngoài miệng quá 1 giờ để hạn chế quá trình viêm gây ngoại tiêu. Lars Andersson lại cho rằngkhông cần thiết loại bỏ các dây chằng đã hoại tử để hạn chế tổn thương lên lớp xê măng và rút ngắn thời gian răng ngoài miệng.

Paul Abbott cho rằng cần điều trị tuỷ ngay lập tức sau khi cấy lại răng để tránh tình trạng tiêu chân răng nhưng Martin Trope thì vẫn theo phác đồ chỉ nên điều trị tuỷ sau 7 – 10 ngày. Các chuyên gia đều cho rằng cần cấy lại răng trước khi lựa chọn các điều trị khác vàkhông điều trị tuỷ ngoài miệng.

 

  1. Kiểm soát đau trong nội nha

Kiểm soát đau là một thủ thuật quan trọng trong nội nha. Bài báo cáo của bác sỹ Stanley F Malamed đưa ra tỉ lệ thành công khi sử dụng Lidocaine trong gây tê hàm dưới là 60%, tức là cứ 30.000 ca sử dụng thuốc tê Lidocain có 12.000 ca vẫn còn triệu chứng đau. Bài báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của thuốc tê Articain trong kiểm soát đau. Để tăng hiệu quả giảm đau, trước khi tiến hành thủ thuật, các bác sỹ nên kê thêm thuốc giảm đau Ibuprofen 600mg cho bệnh nhân trước và sau khi thực hiện thủ thuật.

 

  1. Chỉ định điều trị nội nha lại

Theo Hiệp hội nội nha Hoa Kì, trong chẩn đoán bệnh lý vùng chóp răng có chẩn đoán viêm quanh chóp không có triệu chứng. Những trường hợp này không có chỉ định điều trị, chỉ theo dõi. Đặc biệt với răng đã điều trị tủy có các yếu tố: tổn thương trong vòng nhiều năm không phát triển to lên, không gây khó chịu cho bệnh nhân, điều trị tủy lại nguy cơ gãy vỡ cao, ảnh hưởng kinh tế của bệnh nhân do vậy các bác sỹ cần cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra chỉ định điều trị tủy lại cho bệnh nhân.

 

  1. Nội nha hiện đại: Ứng dụng Lasers

Giáo sư Roeland đến từ Bỉ đã trình bày về kỷ nguyên của thế hệ Lasers mới: Laser-Actived Irrigation (LAI). Diễn giả giới thiệu hai thế hệ mới nhất của LAI được ứng dụng trong điều trị nội nha là PIPS (Photon Induced Photoacoustic Streaming) và SWEEPS (Shock Wave Enhanced Emission Photoacoustic Streaming). Tác động của Laser lên hệ vi sinh vật trong ống tủy được đánh giá ít có tác dụng quang sinh hóa trực tiếp, chủ yếu là sự gia tăng nhiệt độ tại chỗ. Do vậy các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu việc sử dụng laser để kích hoạt dung dịch natri hypochlorite. Nguyên lý hoạt động là sự tập trung năng lượng của ánh sáng laser làm gia tăng nhiệt độ đột ngột của dung dịch hypochlorite, tạo ra hiệu ứng quang âm, làm sinh ra hàng triệu bong bóng nhỏ li ti trong dung dịch tạo nên các sóng xung kích làm sạch hệ thống ống tuỷ.

Hội nghị được phát trực tuyến tại hội trường bệnh viện

 

Các bác sỹ BV RHM TW HN tham dự Hội nghị trực tuyến