Quý khách đã đặt lịch khám thành công

Họ tên:

Mã đặt lịch:

Ngày hẹn:

Thời gian hẹn:

Chuyên khoa/Bác sĩ:

Số điện thoại chuyên khoa:

Nhân viên của bệnh viện sẽ liên hệ xác nhận lại với Quý khách trong thời gian sớm nhất.

Đóng

Nơi ở hiện tại: 40B Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khám cấp cứu 24/7: 02438269727

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIỆN RĂNG HÀM MẶT TRUNG ƯƠNG HÀ NỘI, TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ

01/09/2020

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội

(Kèm theo Quyết định số:2772/QĐ-BYT ngày 01 tháng 7 năm 2020

của Bộ trưởng Bộ Y tế)

______________________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và mối quan hệ công tác của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, trực thuộc Bộ Y tế.

Điều 2. Tên Bệnh viện

1. Tên tiếng Việt:  Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội.

    Tên viết tắt tiếng Việt: BVRHMTWHN.

2. Tên tiếng Anh: National Hospital of Odonto-Stomatology, Hanoi;

    Tên tiếng Anh viết tắt:   NHOS.

3. Trụ sở:

a) Địa chỉ: số 40B, phố Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;

  b) Điện thoại: 024 38269722 ;

  c) Email:         bvrhmtw@moh.gov.vn;

  d) Website:      www.ranghammat.org.vn;

  e) Logo:

                                             

f) Slogan: Trao niềm tin – Gửi nụ cười.

Điều 3. Vị trí pháp lý

1. Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành được thành lập theo Quyết định số 737-BYT/QĐ ngày 15/9/1990 của Bộ trưởng Bộ Y tế và được khẳng định lại tại Quyết định số 246/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ Y tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở làm việc đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 4. Quản lý nhà nước đối với Bệnh viện

Bệnh viện chịu sự quản lý nhà nước về chuyên môn y tế của Bộ Y tế; chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan và chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Điều 5. Sứ mệnh, tầm nhìn của Bệnh viện

1. Phát triển thành Bệnh viện chuyên khoa hiện đại, có nguồn nhân lực chất lượng cao, có trang thiết bị hiện đại, có cơ sở vật chất khang trang.

2. Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng cao, với tác phong phục vụ chuyên nghiệp, đạt chuẩn về y đức, được người bệnh tin tưởng, hài lòng;

3. Đào tạo và tham gia đào tạo nguồn nhân lực y tế và mở rộng hợp tác trong nước, quốc tế theo quy hoạch phát triển được Bộ Y tế phê duyệt. 

4. Xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện để đáp ứng sự phát triển của Bệnh viện trong tương lai khi đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 6. Tổ chức Đảng và các Đoàn thể trong Bệnh viện

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong Bệnh viện lãnh đạo các hoạt động của Bệnh viện theo chức năng, nhiệm vụ được giao trên cơ sở Chỉ thị, Nghị quyết, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác trong Bệnh viện được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm phối hợp cùng với chính quyền để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bệnh viện và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp đã được xác định trong Điều lệ của tổ chức đó.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 7. Chức năng

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội có chức năng là tuyến cuối cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, thẩm mỹvà phục hồi chức năng chuyên khoa Răng Hàm Mặt; thực hiện nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong công tác khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo và tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế, hợp tác quốc tế và công tác chỉ đạo tuyến, công tác Nha học đường; tham gia dự phòng dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em và cộng đồng theo khu vực được phân công.

Điều 8. Nhiệm vụ

1. Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, thẩm mỹ và phục hồi chức năng:

a) Là tuyến cuối cung cấp dịch vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, thẩm mỹ và phục hồi chức năng về chuyên khoa Răng Hàm Mặt theo chế độ bảo hiểm y tế và theo yêu cầu cho nhân dân trong nước và người nước ngoài;

b) Tổ chứctriển khai thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong khám bệnh, chữa bệnh Răng Hàm Mặt cho người bệnhtheo các quy định của Bộ Y tế;

c) Phục hồi chức năng sau điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho bệnh nhân thuộc chuyên khoa Răng Hàm Mặt;

d) Tư vấn các vấn đề liên quan tới chuyên khoa Răng Hàm Mặt;

e) Tham gia khám, giám định pháp y về chuyên khoa Răng Hàm Mặt theo yêu cầu của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương theo sự phân công của Bộ Y tế;

g) Điều trị và phục hồi chức năng cho các trẻ em bị dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt và phục hồi các chức năng khác về răng miệng và hàm mặt cho người bệnh;

h) Tư vấn, phẫu thuật, ứng dụng các công nghệ kĩ thuật cao trong thẩm mỹ cho các đối tượng có nhu cầu;

i) Phối hợp với các cơ sở y tế khác khám sức khỏe cho các đối tượng đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, kết hôn ở nước ngoài, kết hôn đối với người có yếu tố nước ngoài; khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

2. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế:

a) Tổ chức đào tạo liên tục, bồi dưỡng,cập nhật kiến thức y khoa liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên khoa Răng Hàm Mặt cho cán bộ, viên chức của Bệnh viện và nhân lực y tế trong cả nước theo quy định của pháp luật;

b) Là cơ sở đào tạo thực hành và tham gia đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độđại học và sau đại học về chuyên khoaRăng Hàm Mặttheo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn thực hành cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

3. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:

a) Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, phục hồi chức năng chuyên khoaRăng Hàm Mặt; chủ trì và tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp;

b) Tổ chức các Hội nghị khoa học cấp bệnh viện, quốc gia và quốc tế;

c) Thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

4. Phòng, chống dịch bệnh:

a) Thường xuyên phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành y tế để thực hiện truyền thông, giáo dục sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng; phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt;

b) Tham gia phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

5. Chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới:

a) Chỉ đạo công tác khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoaRăng Hàm Mặtcho tuyến dưới thuộc khu vực được Bộ Y tế phân công;

b) Chuyển giao và hỗ trợ các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoaRăng Hàm Mặt cho tuyến dưới;

c) Tham gia hỗ trợ tuyến dưới tổ chức, triển khai các chương trình, dự án y tế liên quan thuộc chuyên khoaRăng Hàm Mặt;

d) Theo dõi, giám sát hoạt động chuyên môn chuyên khoaRăng Hàm Mặt của các cơ sở y tế tuyến dưới thuộc khu vực được phân công;

6. Hợp tác quốc tế:

a) Chủ động thiết lập các mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và trao đổi chuyên gia về khám, chữa bệnh Răng Hàm Mặt; nghiên cứu khoa học; đào tạo cán bộ với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng các dự án đầu tư liên doanh, liên kết với các nước và các tổ chức quốc tế để mở rộng triển khai các dịch vụ y tế theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng kế hoạch đoàn ra, đoàn vào theo chương trình hợp tác quốc tế với Bệnh viện; cử cán bộ, công chức, viên chức của Bệnh viện đi học tập, nghiên cứu, công tác ở nước ngoài; hợp tác trao đổi và tiếp nhận giảng viên, học viên là người nước ngoài đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học tập tại Bệnh viện và ngược lại theo quy định của pháp luật; quản lý đoàn ra, đoàn vào trong phạm vi hoạt động của Bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế;

c) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp học quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi của Bệnh viện quản lý theo quy định của pháp luật.

7. Quản lý đơn vị:

a) Xây dựng và triển khai quy chế hoạt động của Bệnh viện theo quy định của pháp luật;

b) Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đơn vị, quản lý tổ chức cán bộ, công chức, viên chức, tiền lương, tài chính, vật tư thiết bị của Bệnh viện theo quy định của pháp luật;

c) Triển khai và mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật, đào tạo, hợp tác với các cơ quan trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật để hỗ trợ hoạt động chuyên môn, tăng nguồn kinh phí, cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;

d) Thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành y tế của Đảng và Nhà nước; huy động nguồn vốn trong xã hội nhằm đầu tư, nâng cấp Bệnh viện đúng quy định của pháp luật;

e) Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao.

Điều 9. Quyền hạn

1. Bệnh viện được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực và tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo sự phân cấp của Bộ Y tế, chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế và trước pháp luật về mọi hoạt động của Bệnh viện.

2. Bệnh viện được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi khi thực hiện các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và đào tạo cán bộ y tế theo quy định của pháp luật.

3. Được quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp các  thông tin, tài liệu phục vụ công tác chuyên môn và các công tác khác theo quy  định của pháp luật, được đưa ra những kết luận khoa học làm cơ sở pháp lý cho  các cơ quan chức năng xem xét, xử lý và ứng dụng thực tiễn.

4. Ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết, hợp tác với các đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các chuyên gia trong nước và ngoài nước để phục vụ có hiệu quả trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và đào tạo chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện theo quy định của pháp luật.

5. Ký kết các hợp đồng tín dụng ngắn hạn, dài hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước để phục vụ có hiệu quả cho hoạt động Bệnh viện theo quy định của pháp luật.

6. Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Khởi kiện các hành vi xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nghĩa vụ

1. Bệnh viện hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các quy định, quy chế chuyên môn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

2. Bệnh viện chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý tài chính (lập kế hoạch, quản lý thu chi, lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán) theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Kế toán và các quy định hiện hành và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

3. Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

4. Bệnh viện có trách nhiệm xây dựng các Quy trình, Quy chế quản lý tài sản công để tổ chức triển khai quản lý, khai thác, sử dụng trang thiết bị y tế theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy định của Nhà nước và đảm bảo đầy đủ các điều kiện về bảo quản, vận hành trang thiết bị y tế trong bệnh viện nhằm sử dụng an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Điều 11. Đối tượng phục vụ

1. Người bệnh cấp cứu.

2. Người bệnh thuộc chuyên khoa Răng Hàm Mặt có bảo hiểm y tế hoặc tự nguyện theo yêu cầu.

3. Người bệnh thuộc chuyên khoa Răng Hàm Mặt là người nước ngoài.

4. Người có nhu cầu về tạo hình, thẩm mỹ.

5. Đối tượng đến học tập, công tác, nghiên cứu khoa học và các đối tượng khác đến làm việc theo quy định của pháp luật.

.......

Điều 23. Vị trí việc làm và số lượng người làm việc

1. Giám đốc Bệnh viện có trách nhiệm tổ chức xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế của Bệnh viện trên cơ sở nguồn thu, chi các năm trước và quỹ dự phòng của Bệnh viện, báo cáo Bộ Y tế theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm, Giám đốc Bệnh viện có trách nhiệm rà soát, bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc của Bệnh viện cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu công việc thực tế tại Bệnh viện,bảođảm ổn định thu nhập cho cán bộ, viên chức và quỹ dự phòng của Bệnh viện.

Điều 24. Tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức và người lao động

1. Kế hoạch tuyển dụng:

Hằng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động chuyên môn, nhu cầu công việc, vị trí việc làm, quỹ tiền lương của Bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện tổ chức xây dựng và phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức của Bệnh viện, báo cáo Bộ Y tế để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát.

2. Tuyển dụng:

a) Giám đốc Bệnh viện được tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật; quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng, Ban Giám sát kỳ tuyển dụng; quyết định hình thức tuyển dụng viên chức; tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức và phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức của Bệnh viện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình;

b) Giám đốc Bệnh viện tổ chức thực hiện quy trình tiếp nhận viên chức trong trường hợp đặc biệt trình cấp có thẩm quyền thống nhất kết quả theo quy định của pháp luật.

3. Ký kết hợp đồng làm việc:

Giám đốc Bệnh viện được ký kết hợp đồng làm việc (xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn) với người được tuyển dụng làm viên chức của đơn vị  theo quy định của pháp luật.

4. Bố trí phân công công việc:

Giám đốc Bệnh viện phân công nhiệm vụ cho viên chức, người lao động trong Bệnh viện phù hợp với chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, người lao động và bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ.

5. Thăng hạng và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp:

a) Giám đốc Bệnh viện được tổ chức các kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức trong Bệnh viện từ hạng IV (trình độ cao đẳng, trung cấp) lên hạng III (trình độ đại học) theo quy định của pháp luật.

b) Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng IV, hạng III đối với viên chức đã hoàn thành thời gian tập sự sau tuyển dụng;

c) Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm và thay đổi chức danh nghề nghiệp các hạng đối với viên chức thuộc Bệnh viện khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

6. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động đối với viên chức quản lý:

Giám đốc Bệnh viện tổ chức thực hiện quy trình và quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức trực thuộc theo thẩm quyền (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng), đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quy định do cấp có thẩm quyền ban hành.

7. Thực hiện chế độ, chính sách:

a) Giám đốc Bệnh viện quyết định việc xếp lương và nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên vượt khung  đối với cán bộ, viên chức và người lao động theo thẩm quyền được phân cấp và theo đúng quy định của pháp luật.

b) Giám đốc Bệnh viện thực hiện chế độ nghỉ hưu, các chế độ chính sách khác bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức và người lao động theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của Bệnh viện.

8. Đánh giá, phân loại:

Giám đốc Bệnh viện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đối với cán bộ, viên chức hằng năm theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người lao động

Cán bộ, viên chức và người lao động của Bệnh viện có trách nhiệm tham gia các hoạt động chung của Bệnh viện, không ngừng học tập, rèn luyện tu dưỡng để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phải chấp hành sự phân công công việc của quản lý khoa, phòng, trung tâm và của Ban Giám đốc.

Điều 26. Quyền của cán bộ, viên chức, người lao động

Cán bộ, viên chức và người lao động của Bệnh viện có quyền được bảo đảm các điều kiện cho hoạt động nghề nghiệp, được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ điều kiện và được hưởng các quyền lợi theo quy định đối với cán bộ, viên chức và người lao động, được pháp luật bảo vệ trong khi thực thi nhiệm vụ và chức trách của mình.

Điều 27.Cộng tác viên và hợp đồng lao động

1. Cộng tác viên là các chuyên gia, cán bộ khoa học trong nước và ngoài nước được Bệnh viện mời tham gia theo lĩnh vực chuyên môn, nội dung công việc và theo quy định của pháp luậtdo Giám đốc Bệnh viện ký hợp đồng lao động và các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Giám đốc Bệnh viện được ký hợp đồng thuê, khoán đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên; ký hợp đồng lao động thời vụ và các hình thức hợp tác khác với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, những chuyên gia y tế đã nghỉ hưu, đủ điều kiện hành nghề, còn sức khỏe, tự nguyện tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh việntheo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, giảng viên của các Trường Đại học y có thể là các cộng tác viên của Bệnh viện, sau khi có ý kiến đồng ý của trường. Các cán bộ, giảng viên của các trường tham gia làm việc tại Bệnh viện được hưởng thù lao theo mức độ tham gia công việc của từng cá nhân và do Giám đốc Bệnh viện quyết định theo quy chế của Bệnh viện.

....

Chương VI

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC VỚI CÁC CƠ QUAN

TRONG VÀ NGOÀI NGÀNH Y TẾ

Điều 33.Với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước

1. Bệnh viện là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới khu vực phía Bắc từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra. Bệnh viện được hợp tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành y tế từ Trung ương đến địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Bệnh viện có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giảng viên, giáo viên, sinh viên các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hoặc cán bộ của các đơn vị y tế tuyến dưới đến công tác và học tập.

Điều 34.Với các tổ chức, cá nhân nước ngoài

Bệnh viện được chủ động hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các cá nhân người nước ngoài trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 35. Với địa phương nơi Bệnh viện đặt trụ sở

Bệnh viện chịu sự quản lý theo địa giới hành chính và có trách nhiệm phối hợp với địa phương nơi đặt trụ sở để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chương VII

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 36. Khen thưởng                          

1. Công tác khen thưởng phải kịp thời, công khai, công bằng, lấy giáo dục làm gốc dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật và của Bộ Y tế.

2. Cá nhân, tập thể có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động khác của Bệnh viện được khen thưởng theo quy định của pháp luật, của Bộ Y tế và của Bệnh viện.

Điều 37. Xử lý vi phạm 

Các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của Quy chế này và vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người đứng đầu tổ chức, cá nhân đó sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Điều khoản thi hành

1. Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội gồm 8 chương, 38 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần thiết bổ sung, điều chỉnh nội dung Quy chế này, Bệnh viện gửi văn bản đề nghị với Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.